Được sự quan tâm chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp có hiệu quả giữa Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang, Tổ chức Room to Read (RtR) và UBND huyện Chiêm Hóa, sự quyết tâm của Phòng GDĐT huyện Chiêm Hóa, của cán bộ quản lý, cán bộ thư viện, giáo viên và học sinh các trường tiểu học tham gia Dự án trên địa bàn huyện Chiêm Hóa trong việc triển khai thực hiện dự án tại tỉnh, sau hơn 03 năm triển khai hoạt động, mô hình thư viện trường học của Tổ chức Room to Read đã được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương, được cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh đồng tình ủng hộ và được đánh giá cao về tính thiết thực hiệu quả trong việc tạo thói quen đọc sách không chỉ đối với học sinh mà còn cả đối với cán bộ, giáo viên và cha mẹ học sinh. Đến nay, 100% các trường có cán bộ thư viện (chuyên trách hoặc kiêm nhiệm) để tổ chức các hoạt động cũng như duy trì công tác thư viện theo đúng quy định.

Đến tháng 8 năm 2018, toàn tỉnh có 38 trường tiểu học được tham gia Chương trình thư viện trường học thuộc 03 huyện Yên Sơn, Sơn Dương và Chiêm Hóa (09 trường thuộc huyện Yên Sơn đã kết thúc năm 2014; 09 trường thuộc huyện Sơn Dương đã kết thúc năm 2015; tại huyện Chiêm Hóa: 10 trường tham gia từ tháng 7 năm 2015 và 10 trường tham gia từ tháng 7 năm 2016) với tổng số lớp là 750 lớp chiếm 24,2%, và tổng số học sinh là 15.932 học sinh, chiếm 21,9% (số lớp tham gia dự án tăng 6,3%, số HS tham gia dự án tăng 4,7% so với giai đoạn trước).

\

Các trường đã chủ động, linh hoạt nhân rộng các nội dung của mô hình thư viện như: thư viện xanh, thư viện góc lớp, thư viện di động ,... Đặc biệt, một số trường đã linh hoạt, chủ động phối hợp với các phòng, ban chuyên môn trên địa bàn huyện, thành phố để tổ chức các hoạt động cho học sinh tiêu biểu như trường tiểu học Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa đã phối hợp Trung tâm Văn hóa – Thông tin – Thể thao huyện tổ chức tốt “Ngày hội đọc sách” năm 2018, thu hút được hơn 770 em học sinh, gần 500 cha mẹ học sinh, các Báo, Đài trên địa bàn huyện Chiêm Hóa đến dự và tham gia. Đây là hoạt động thực sự ý nghĩa không chỉ đối với thầy và trò mà còn là cơ hội để nhà trường tuyên truyền, giới thiệu các hoạt động về sách đối với các bậc phụ huynh học sinh và cộng đồng, giúp họ hiểu hơn nữa về các hoạt động trong nhà trường từ đó có sự phối hợp tốt hơn giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục học sinh.


 

Các nghệ nhân tham gia giao lưu với nhà trường trong “Ngày hội đọc sách”

Tham gia “Ngày hội đọc sách” các bậc phụ huynh và các em học sinh được trải nghiệm ở các góc. Hoạt động tại các góc được thiết kế phù hợp để cha mẹ cùng tham gia hoạt động với con, tạo nên một không khí sôi nổi, hào hứng.

 

Nhưng ấn tượng nhất là góc “Kể chuyện theo sách” dành cho học sinh khối 1, 2 và “Giới thiệu sách” dành cho học sinh khối 3, 4, 5 đã được các khối lớp dàn dựng công phu dưới dạng tiểu phẩm để phần giới thiệu sách thêm sinh động, hấp dẫn khiến nhiều phụ huynh và khách mời bất ngờ và thích thú.

Các hoạt động của “Ngày hội đọc sách” đã thực sự là một không gian tri thức sống không chỉ của riêng các em học sinh mà còn là ngày hội của các bậc cha mẹ học sinh và của toàn xã hội. Thông qua ngày hội đã góp phần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa tới các bậc phụ huynh, cộng đồng về lợi ích của việc đọc sách và đặc biệt hơn nữa, thông qua các hoạt động, có thể thấy thư viện thân thiện là kho tàng kiến thức, là nguồn tư liệu phong phú không chỉ riêng cho các em học sinh mà còn rất ý nghĩa đối với mỗi cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh học sinh và cộng đồng. Là nơi trang bị cho các em nguồn tri thức, vốn tiếng Việt giúp các em học tập tốt hơn trong môi trường giáo dục hiện nay nhằm từng bước nâng cao chất lượng dạy và học đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung, chương trình sách giáo khoa theo yêu cầu Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Ông Lê Thiện Trí, Giám đốc tác nghiệm, Tổ chức Room to Read phát biểu

 Để việc duy trì các hoạt động thư viện bền vững sau khi dự án kết thúc. Ngày 28 tháng 9 năm 2018, Tổ chức Room to Read phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang và Bắc Giang tổ chức Hội thảo "Phát triển thư viện bền vững” dành cho các trường dự án năm 2015. Tham gia Hội thảo có lãnh đạo, chuyên viên các Sở Giáo dục và Đào tạo, các Phòng Giáo dục và Đào, cán bộ quản lý, cán bộ thư viện và đại diện phụ huynh các trường tham gia dự án thư viện thân thiện năm 2015.

 

Thư viện sau khi dự án kết thúc của trường TH Hà Thượng, huyện Đại Từ, tỉnh thái

Tại Thái Nguyên, các đoàn đã được tham quan thư viện hai trường tiểu học của huyện Đại Từ (trường TH Hà Thượng và trường TH Cù Vân). Đây là hai trường đã tham gia dự án từ năm 2012 và kết thúc năm 2015. Đoàn tham quan rất bất ngờ khi được quan sát không gian thư viện mở được trang trí rất đẹp mắt, sáng tạo. Cảm nhận được niềm thích thú của các em học sinh khi say sưa đọc sách. Và hơn tất cả là lòng nhiệt huyết của cán bộ, giáo viên nhà trường, hằng ngày chăm chút để thư viện luôn gọn gàng, thoáng mát, đầy ắp những cuốn sách bổ ích và là điểm đến hấp dẫn của các em học sinh. Chính vì vậy, dù đã kết thúc dự án từ năm 2015 nhưng thư viện vẫn duy trì hoạt động có hiệu quả cao, mang tính bền vững, ổn định lâu dài và ngày càng phát triển.

Buổi chiều cùng ngày, các đại biểu của 3 tỉnh cùng tham dự Hội thảo "Phát triển thư viện bền vững", cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, những cách làm hay để thư viện hoạt động hiệu quả. Cán bộ quản lý, cán bộ thư viện và đại diện phụ huynh các trường cũng sôi nổi tham gia tọa đàm, thảo luận về các giải pháp duy trì bền vững thư viện thân thiện. Những ý kiến chia sẻ của đại biểu về dự Hội thảo đã tháo gỡ được băn khoăn, vướng mắc của các trường trong việc duy trì bền vững thư viện sau khi dự án kết thúc.

Ông Trần Đức Dũng, Phó Trưởng phòng GDĐT Chiêm Hóa chia sẻ kinh nghiệm

 

Bà Trần Thị Hợi (thứ hai từ phải sang), đại diện phụ huynh trường TH Vĩnh Lộc, Chiêm Hóa tham gia tọa đàm

Bà Trần Thị Hồng Lan, (ngoài cùng bên trái), Phó Hiệu trưởng trường TH Hà Lang, Chiêm Hóa tham gia tọa đàm

Tham gia Hội thảo "Phát triển thư viện bền vững", 10 trường Tiểu học thuộc huyện Chiêm Hóa càng xác định rõ hơn trách nhiệm của nhà trường trong việc duy trì hoạt động của thư viện sau khi dự án kết thúc vào tháng 8 năm 2018.

Năm học 2018 - 2019 là năm học đầu tiên nhà trường thực hiện kế hoạch duy trì bền vững thư viện thân thiện theo như cam kết với dự án. Với những kinh nghiệm đã triển khai thực hiện trong 03 năm và những kinh nghiệm học hỏi được sau chuyến tham quan thực tế và dự Hội thảo "Phát triển thư viện bền vững" tại Thái Nguyên cùng với sự đồng thuận của cán bộ quản lý, cán bộ thư viện, giáo viên, phụ huynh học sinh và cộng đồng các nhà trường tin rằng thư viện thân thiện sẽ phát triển bền vững, mang đến thật nhiều cơ hội đọc cho tất cả các em học sinh, hình thành thói quen đọc để các em có thể trở thành những người đọc độc lập, mang theo niềm đam mê đọc sách trong suốt cuộc đời mình./.

Đỗ Anh Dương, Chuyên viên Phòng Giáo dục Tiểu học

Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang